Từ những người có kinh nghiệm lâu năm mở quán cà phê, rất nhiều bạn trẻ hiện nay dễ gặp lầm tưởng khi nghĩ đến kinh doanh cà phê. Có thể đối với một số người, mở quán cà phê là một điều đơn giản. Cứ thuê mặt bằng, thuê kiến trúc sư thiết kế, xây dựng, thuê nhân viên, bỏ bàn ghế vào và bán. Nhất là đối với những người chưa có kinh ngiệm, họ cứ dùng tiền để đầu tư thật hoành tráng, trả lương thật cao để thuê nhân viên thật đông và thật đẹp. Họ tưởng tượng một cách đơn giản rằng: Quán hoành tráng + Nhân viên đẹp + Khung cảnh lãng mạn = Đông khách = Hốt tiền.
Nhưng thực tế thì thường sau vài ba tháng kinh doanh, họ tỉnh giấc mộng vì hóa ra bán cà phê không đơn giản như họ nghĩ.
1. Quản lý Nhân viên bằng lương cao:
Nhân viên của một quán cà phê thường không ổn định. Đừng bao giờ nghĩ rằng cứ trả lương cao thì sẽ có nhân viên làm tốt. Đa số nhân viên làm ở quán cà phê không coi đó làm một công việc ổn định. Họ sẵn sàng nghỉ việc bất cứ lúc nào vì những lý do rất trời ơi như: Em ghét con nhỏ làm chung; Bạn trai em không cho em làm; Em không thức dậy sớm được; Đi làm cà phê bị người thân cấm, Ăn mặc hở hang quá;…
Đối với những quán có kỷ luật nghiêm khắc thì nhân viên làm việc bị áp lực nặng nề, dễ nghỉ việc. Đối với những quán có kỷ luật lỏng lẻo thì nhân viên làm việc cẩu thả, dễ mất khách.
Cái khó nhất trong quản lý nhân viên của một quán cà phê là hầu như không có nhân viên nào coi bán cà phê là một nghề (mặc dù thu nhập cao hơn nhiều so với làm văn phòng), từ đó, gần như không ai có ý thức chuyên nghiệp trong công việc.
2. Đồ uống ngon là có Khách hàng:
Khách hàng của một quán cà phê thường đa dạng loại người. Mỗi người có một ý thích khác nhau. Cũng một ly cà phê như nhau, người thì khen ngon, kẻ thì chê dở, người thì lại bảo rằng cũng được. Nếu người chủ không có kinh nghiệm trong việc thưởng thức cà phê rất dễ bị tình trạng thay đổi lung tung, dẫn đến quán cà phê không có “gu” của riêng mình.
Ai cũng cho rằng: “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng”. Nhưng đối với nghề bán cà phê, có những lúc khách hàng sai, bởi vì họ chưa/không hiểu được phong cách quán đang muốn xây dựng là gì. Đa số khách hàng không hiểu rằng: Quán cà phê mở ra để phục vụ số đông chứ không phải phục vụ cho một mình họ.
3. Chi phí đầu tư chỉ mất 1 lần:
Đầu tư một quán cà phê thường phải bỏ ra một số tiền lớn (thậm chí rất lớn). Để cạnh tranh nhau, các quán cà phê hiện nay có suất đầu tư từ 3-5 tỷ đồng/quán là chuyện bình thường (có những quán đầu tư đến hàng chục tỷ). Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ một quán cà phê lại đến từ những thứ rất nhỏ. Người quản lý phải biết tính toán chi ly từng lạng cà phê, từng chút đường, từng miếng chanh, từng cái thìa, từng cái ly,… thậm chí phải tính đến từng cuộn giấy vệ sinh trong toalet.
Điều khó khăn nhất là phải làm sao cân đối hài hòa giữa chất lượng phục vụ và chi phí bỏ ra. Nếu quản lý không tốt, mặc dù quán có thể bán rất đông khách nhưng không có lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn chậm, thậm chí không thể thu hồi được vốn.
4. Làm ăn chân chính không lo Cạnh tranh:
Càng ngày, các quán cà phê mọc ra càng nhiều với quy mô đầu tư càng lớn hơn. Do đó, để cạnh tranh nhau, các quán dùng nhiều cách khác nhau để lôi kéo khách:
a) Giảm giá bán: là một cách đang được nhiều quán lựa chọn. Đây là cách hiệu quả nhất, đơn giản nhất và nhanh nhất trong việc thu hút khách. Tuy nhiên, nếu giá bán thấp đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận và sẽ thiếu hụt tài chính để tái đầu tư. Do đó, phương pháp này chỉ phù hợp với những quán có mức đầu tư thấp, thời gian hoạt động ngắn. Còn đối với những quán lớn, quán có thời gian hoạt động dài, giảm giá là một cách làm không bền vững.
b) Tổ chức chương trình, sự kiện: cũng là một cách lôi kéo khách hiệu quả. Tuy nhiên, khi tổ chức sự kiện, phải đặc biệt quan tâm đến độ lôi cuốn (sự ép phê) của sự kiện, tuyệt đối tránh tình trạng quảng cáo thì hoành tráng mà chương trình thì sơ sài. Nhiều trường hợp tổ chức sự kiện không đạt dẫn đến tác dụng phụ, tiền mất – tật mang.
c) Tái đầu tư, nâng cấp: để thu hút lại khách hàng khi có đối thủ mới mở ra. Cách làm này khá tốn kém về chi phí nhưng bắt buộc phải làm để tăng sức cạnh tranh cho quán. Điều lưu ý khi tái đầu tư là phải tính toán cẩn thận để lựa chọn đúng hạng mục cần tái đầu tư, tránh tình trạng tốn tiền để sữa chữa, nâng cấp nhưng không đem lại cảm nhận cho khách về sự mới mẻ.
d) Quảng cáo: là con dao hai lưỡi. Chỉ tăng cường quảng bá, tiếp thị khi và chỉ khi đã hoàn toàn an tâm về chất lượng phục vụ của mình. Nếu không khéo, quảng cáo lôi kéo đông người đến quán chỉ để có thêm nhiều người chê/nói xấu về quán của mình.
Còn rất nhiều điều khác về nghề mở quán cà phê. Đây chỉ là những trải nghiệm của riêng mình muốn chia sẻ với những người có ý định mở quán cà phê, hy vọng sẽ giúp được một bạn bè nào đó có cái nhìn tỉnh táo hơn về nghề bán quán cà phê và sẽ không phải nói câu: “Tôi hối hận vì đã mở quán cà phê.”
Nguồn: Sưu tầm
Oribeans Coffee là đơn vị tiên phong chuyên cung cấp cà phê nguyên chất và tư vấn mở quán cà phê thành công tại Việt Nam.