Nếu muốn kinh doanh quán cà phê, bạn hãy:
1. Trước hết, bạn là người thật am hiểu về cà phê
Để mở quán, trước hết, bạn cần phải là người hiểu biết về cà phê. Ảnh: Reuters |
Hãy hiểu thật sâu sắc những gì bạn đang bán, học hỏi tất cả về cà phê, từ đặc tính của cây, các giống cà phê, tên các trang trại, kiểu cốc và cách pha thường dùng. Sau đó, hãy chia sẻ kiến thức và niềm đam mê của mình với nhân viên, với những người quanh bạn, với khách hàng đến quán.
Bạn sẽ là nguồn năng lượng trung tâm thu hút khách hàng và những người tâm huyết về chung tay với mình, để làm được điều đó, bạn phải thật Đam Mê cà phê trước đã.
2. Chọn nhân viên rang cà phê thật tốt
Bạn không thể làm tất cả mọi việc, bạn cần có người trợ thủ đắc lực, đôi khi còn “siêu” hơn cả bạn về kĩ thuật rang cà phê. Điều này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến ly cà phê của khách hàng.
3. Xem xét địa điểm mở quán cẩn thận
Bạn cần phải dò xét thật kỹ căn nhà muốn mua hoặc thuê để mở quán. Hãy tìm một chỗ đỗ xe quanh đó, đếm lượng xe cộ hoặc người đi ngang qua mỗi giờ. Bạn nên thực hiện vào nhiều thời điểm như 2h sáng, 8h tối hoặc 6h30 sáng trong nhiều ngày để tính lượng khách hàng tiềm năng. Hãy tự hỏi liệu những người lái xe có muốn dừng lại mua một cốc trước khi đi làm hay không? Liệu có biển báo dừng hay cột đèn giao thông gần chỗ bạn? Quanh khu vực của bạn có nhiều học sinh hay không? Hoặc nơi này liệu có đủ chỗ đỗ xe?
Bên cạnh đó, hãy nghiên cứu các hàng quán xung quanh nữa. Nếu gần đó từng có quán cà phê phải đóng cửa, bạn cũng nên nghiên cứu lý do họ thất bại.
4. Lên danh sách những người trợ giúp
Bạn biết rồi đấy, không ai làm được tất cả mọi việc, bạn sẽ cần người hỗ trợ nhân lực, vật tư, mặt bằng, thu mua, marketing… Bắt tay vào việc sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh, hãy lên kế hoạch trước tất cả.
5. Định giá hợp lý
Giá cả là một việc rất phức tạp. Hãy tính toán bạn phải bán bao nhiêu cốc cà phê mỗi ngày mới hòa vốn, và bao nhiêu thì bạn mới có lãi? Chi phí thay thế sản phẩm là bao nhiêu? Chi phí giao hàng là bao nhiêu? Có một chân lý định giá thế này: Nếu tất cả mọi người đều phàn nàn về giá cả, tức là nó quá cao. Nếu chẳng ai phàn nàn, tức là quả thấp. Còn khi chỉ có vài người kêu ca, tức là bạn đã định giá hoàn hảo.
Nhưng hãy nhớ, định giá là quá trình liên tục, chứ không chỉ xảy ra một lần. Nếu chi phí đầu vào tăng, doanh thu cũng phải tăng theo. Hãy thử tăng giá nhẹ trong vài tháng và quan sát xem khách hàng có nhận ra hay không. Nếu sản phẩm và dịch vụ của bạn quá xuất sắc, họ sẽ chẳng quan tâm bạn vừa nâng giá đâu. Nếu yêu quý bạn, họ sẽ muốn giúp bạn thành công.
Một cách định giá khác bạn nên nhớ là theo nhận thức của khách hàng. Nếu bán loại cà phê Kona (Hawaii) đắt đỏ có giá gần 100 USD mỗi kg, bạn sẽ phải cung cấp đầy đủ thông tin để khách hàng công nhận giá trị của chúng. Đó là ảnh nông dân trong trang trại đang hái cà phê, thông tin bạn trích lợi nhuận để làm từ thiện, kênh giao tiếp với khách hàng thông qua mạng xã hội và email quảng cáo về loại cà phê này. Nếu đã có tất cả, bạn có thể yên tâm bán chúng với giá gần 100 USD mỗi kg.
6. Thuê các nhân viên có nhiệt huyết
Đừng thuê những người chỉ biết bán hàng, hãy tìm các nhân viên luôn mỉm cười và thực sự đam mê sản phẩm, dịch vụ của bạn. Khi mở cửa hàng, hãy làm mẫu để họ noi theo. Hãy chăm sóc nhân viên thật tốt, trả lương xứng đáng và tìm những người luôn lạc quan với ước mơ lớn.
7. Luôn thể hiện sự vui vẻ, lạc quan
Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Bạn có thể thay đổi cả thế giới bằng một nụ cười”. Nếu luôn tỏ ra vui vẻ vì bạn yêu quán, sản phẩm, khách hàng, bạn sẽ bán được nhiều hơn. Khách hàng luôn muốn mua đồ từ những người vui vẻ.